0

Cân bằng hormone hạnh phúc và stress trong cơ thể | Safe and Sound

Hormone là những phân tử hoá học nhỏ bé, gần như “vô hình” với chúng ta nhưng chúng lại đóng một vai trò then chốt trong hoạt động cơ thể con người. Theo chuyên gia tâm lý, hormone có tác động tới hầu hết các hoạt động cơ thể từ việc ăn ngủ, phát triển, sinh con,... cho đến cả tâm trạng thường ngày.

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1.    Hormone hạnh phúc là gì?

Khi chúng ta cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ,... cũng chính là lúc 4 loại hormone hạnh phúc tăng tiết nhiều hơn.

Hormone dopamine tạo sự phấn khích, cảm giác hài lòng, thỏa mãn, kiểm soát hành động và nâng cao khả năng tập trung. Được gọi là “hormone của sự tán thưởng” vậy nên sự khen ngợi, tán dương kích thích sản xuất dopamine vậy nên chuyên gia tâm lý cho biết cách tốt nhất để dopamine được sản sinh là đặt ra những mục tiêu cụ thể và nỗ lực đạt được chúng.

Seretonin được ví như “hormone của sự tự tin”, giúp tăng lòng tự tin, hạn chế, giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, lo lắng và cải thiện giấc ngủ. Theo chuyên gia tâm lý, cách tốt để sản xuất tự nhiên nguồn serotonin là luyện tập thể dục thể thao hằng ngày, thử thách bản thân, đặt mục tiêu, suy nghĩ về thành quả, ý nghĩa mình sẽ nhận được khi hoàn thành.

Endorphin được biết đến như “chất giảm đau tự nhiên” mà cơ thể con người tiết ra khi chúng ta tận hưởng những món ăn mình yêu thích, trò chuyện vui vẻ, cởi mở với những người mình yêu thương, chơi những trò chơi, luyện tập những môn thể thao mình hứng thú,...

Việc tăng sự gắn kết, kết nối, niềm tin giữa những người yêu thương của chúng ta sẽ làm tăng lượng hormone oxytocin, nhất là thông qua những cử chỉ thân mật như hôn nhau, ôm ấp hay dành những thời gian yêu thương, đầm ấm bên nhau.

Chuyên gia tâm lý nhấn mạnh rằng, chúng ta càng cảm nhận được hạnh phúc thì những hormone hạnh phúc sẽ càng giải phóng nhiều hơn. Không những vậy, những hormone hạnh phúc còn đem lại lợi ích cho chúng ta nhiều hơn thế bằng cách tăng khả năng miễn dịch của cơ thể, ngăn ngừa và cản trở việc phát triển ung thư.

Ảnh 1: Khi chúng ta hạnh phúc, các hormone hạnh phúc càng tăng tiết

2.    Hormone stress là gì?

Stress là tình trạng căng thẳng về thể chất, tinh thần hoặc cảm do các tác nhân làm đảo lộn sự cân bằng trong cơ thể. Chuyên gia tâm lý khuyến cáo, những tác nhân gây stress sẽ có những hình thái khác nhau và mức độ tác động cũng khác nhau, cho nên cơ thể sẽ đáp ứng lại với mức độ nặng, nhẹ và thời gian dài, ngắn khác nhau. Khi bị stress, cơ thể của chúng ta tuy có những đáp ứng khác nhau ở mỗi người nhưng chúng đều bị chi phối bởi 3 loại hormone dưới đây:

Cortisol được tiết ra khi cơ thể đáp ứng với stress. Chúng làm tăng lượng đường trong máu, khởi động các đáp ứng giao cảm như tim đập nhanh, tăng tiết mồ hôi, co mạch, tăng bài tiết dịch vị axit trong dạ dày. Về lâu dài, chuyên gia tâm lý cho rằng, cortisol tiết nhiều, kéo dài sẽ tăng cảm giác thèm ăn, thèm ngọt, dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì, ngoài ra còn ức chế chức năng miễn dịch bảo vệ sức khỏe của cơ thể chúng ta.

Khi cơ thể chúng ta bị stress, adrenaline được tiết ra nhiều làm tăng các hoạt động cơ thể như tăng hoạt động cơ tim, tăng nhịp tim, tăng hơi thở, tăng huyết áp, tăng cường hoạt động cơ. Chuyên gia tâm lý khuyến cáo, khi tình trạng này kéo dài, cơ thể phải chịu hoạt động quá mức, sự căng cơ, sự quá tải quá mức sẽ gây tổn thương các tế bào trong cơ thể, làm giảm hiệu quả chống chọi với stress và làm nặng hơn tình trạng bệnh tật của cơ thể.

Norepinephrine được tiết nhiều sẽ gây kích thích tim, co mạch, dồn máu nuôi ở những cơ quan kém quan trọng đến những nơi có những cơ quan quan trọng hơn như tim, não bộ, các cơ…, để đáp ứng kịp thời khi cơ thể đối mặt với stress. Theo chuyên gia tâm lý, việc chịu đựng stress lâu dài khiến cho việc phân bổ chất dinh dưỡng cũng như máu nuôi đến các cơ quan không được hợp lý, dẫn đến việc tổn thương các tế bào của cơ thể và tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập và phát triển của các tác nhân gây hại như vi sinh vật, tế bào ung thư…

Ảnh 2: Khi hormone cortisol, adrenaline và norepinephrine được tiết ra dai dẳng, tình trạng stress càng ngày càng nặng hơn

3.    Cân bằng hormone hạnh phúc và stress

Theo chuyên gia tâm lý, sự điều hòa nhịp nhàng của các loại hormone hạnh phúc và hormone stress trong cơ thể đều giúp thể chất và tinh thần chúng ta có thể tồn tại và sống trọn vẹn những phút giây ý nghĩa trong cuộc sống.

  • Duy trì tinh thần luôn tích cực:
  • Thay đổi góc nhìn cuộc sống.
  • Ngừng đổ lỗi cho bản thân.
  • Chăm sóc thân thể và bồi dưỡng tinh thần:
  • Thấu hiểu bản thân và quản lý tốt bản thân.
  • Rèn luyện thể dục thể thao phù hợp với bản thân mình.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Giữ vững một tinh thần bản lĩnh trong giai đoạn khó khăn.
  • Chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống thông qua trao đổi với mọi người, viết nhật ký,...
  • Tham gia các hoạt động thư giãn tinh thần: nghe nhạc, du lịch, thiền định, cầu nguyện,...
: Cân bằng hormone hạnh phúc và stress trong cơ thể | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound